Trung tâm kế toán Hà Nội đã gửi tới bạn đọc phần 1 và phần 2 các thuật ngữ trong kế toán. Trong bài viết này, chúng tôi xin gửi thêm một số thuật ngữ trong kế toán khác. Mời các bạn đọc tham khảo.

1. Kiểm tra kế toán là gì?

Kiểm tra kế toán là xem xét, đánh giá việc tuân thủ pháp luật về kế toán, sự trung thực, chính xác của thông tin, số liệu kế toán.

Kiểm tra kế toán: Đơn vị kế toán phải chịu sự kiểm tra kế toán của cơ quan có thẩm quyền và không quá một lần kiểm tra cùng một nội dung trong một năm. Việc kiểm tra kế toán chỉ được thực hiện khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Nội dung kiểm tra kế toán:

Nội dung kiểm tra kế toán gồm:

  • Kiểm tra việc thực hiện các nội dung công tác kế toán.
  • Kiểm tra việc tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán
  • Kiểm tra việc tổ chức quản lý và hoạt động nghề nghiệp kế toán
  • Kiểm tra việc chấp hành các quy định khác của pháp luật về kế toán.

Nội dung kiểm tra kế toán phải được xác định trong quyết định kiểm tra

Quyền và trách nhiệm của đoàn kiểm tra:

  1. Khi kiểm tra kế toán, đoàn kiểm tra kế toán phải xuất trình quyết định kiểm tra kế toán. Đoàn kiểm tra kế toán có quyền yêu cầu đơn vị kế toán được kiểm tra cung cấp tài liệu kế toán có liên quan đến nội dung kiểm tra kế toán và giải trình khi cần thiết.
  2. Khi kết thúc kiểm tra kế toán, đoàn kiểm tra kế toán phải lập biên bản kiểm tra kế toán và giao cho đơn vị kế toán được kiểm tra một bản; nếu phát hiện có vi phạm pháp luật về kế toán thì xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
  3. Trưởng đoàn kiểm tra kế toán phải chịu trách nhiệm về các kết luận kiểm tra.
  4. Đoàn kiểm tra kế toán phải tuân theo trình tự, nội dung, phạm vi và thời gian kiểm tra, không được làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường và không được sách nhiễu đơn vị kế toán được kiểm tra.

Trách nhiệm và quyền hạn của đơn vị kế toán được kiểm tra

Đơn vị kế toán được kiểm tra kế toán có trách nhiệm:

  • Cung cấp cho đoàn kiểm tra kế toán tài liệu kế toán có liên quan đến nội dung kiểm tra và giải thích các nội dung theo yêu cầu của đoàn kiểm tra
  • Thực hiện kết luận của đoàn kiểm tra kế toán

Đơn vị kế toán được kiểm tra kế toán có quyền:

  • Từ chối kiểm tra nếu thấy việc kiểm tra không đúng thẩm quyền hoặc nội dung kiểm tra trái với quy định tại Điểm 36 của Luật kế toán này;
  • Khiếu nại về kết luận của đoàn kiểm tra kế toán với cơ quan có thẩm quyền quyết định kiểm tra kế toán; trường hợp không đồng ý với kết luận của cơ quan có thẩm quyền quyết định kiểm tra kế toán thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Kiểm kê tài sản là gì?

Kiểm kê tài sản: Là việc cân, đong, đo, đếm số lượng; xác nhận và đánh giá chất lượng, giá trị của tài sản, nguồn vốn hiện có tại thời điểm kiểm kê để kiểm tra, đối chiếu với số liệu trong sổ kế toán

Đơn vị kế toán phải kiểm kê tài sản trong các trường hợp sau:

  1. Cuối kỳ kế toán năm, trước khi lập báo cáo tài chính
  2. Chia tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản hoặc bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp;
  3. Chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp
  4. Xảy ra hỏa hoạn, lũ lụt và các thiệt hại bất thường khác;
  5. Đánh giá lại tài sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  6. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật

Sau khi kiểm kê tài sản, đơn vị kế toán phải lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê. Trường hợp có chênh lệch giữa số liệu thực tế kiểm kê với số liệu ghi trên sổ kế toán, đơn vị kế toán phải xác định nguyên nhân vì phải phản ánh số chênh lệch và kết quả xử lý vào sổ kế toán trước khi lập báo cáo tài chính.

Việc kiểm kê phải phản ánh đúng thực tế tài sản, nguồn hình thành tài sản. Người lập và ký báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm kê.

3. Chuẩn mực kế toán là gì?

  • Chuẩn mực kế toán gồm những nguyên tắc và phương pháp kế toán cơ bản để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính
  • Bộ tài chính quy định chuẩn mực kế toán trên cơ sở chuẩn mực quốc tế về kế toán và theo quy định của Luật này (luật kế toán).

4.  Chữ viết tắt và chữ số sử dụng trong kế toán

  • Chữ viết tắt sử dụng trong kế toán là tiếng Việt. Trường hợp phải sử dụng tiếng nước ngoài trên chứng từ kkế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính ở Việt Nam thì phải sử dụng đồng thời cả tiềng Việt và tiếng nước ngoài.
  • Chữ số trong kế toán là chữ số Ả – Rập : 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9; sau chữ số hàng nghìn, hàng triệu, tỷ, tỷ tỷ phải đặt dấu chấm (.); khi còn ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị phải đặt dấu phẩy (,) sau chữ số hàng đơn vị.

5. Nhiệm vụ, yêu cầu kế toán

Nhiệm vụ kế toán:

  • Thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán theo đối tượng và nội dung công việc kế toán theo chuẩn mực và chế độ kế toán
  • Kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính, các nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản và nguồn hình thành tài sản; phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán.

Yêu cầu kế toán:

  • Phản ảnh đầy đủ nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh vào chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính.
  • Phản ánh kịp thời, đúng thời gian quy định thông tin, số liệu kế toán.
  • Phản ánh rõ ràng, dễ hiểu và chính xác thông tin, số liệu kế toán
  • Phản ánh trung thực hiện trạng, bản chất sự việc, nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế, tài chính.
  • Thông tin, số liệu kế toán phải được phản ánh liên tục từ phát sinh đến khi kết thúc hoạt động kinh tế, tài chính, từ khi thành lập đến khi chấm dứt hoạt động của đơn vị kế toán; số liệu kế toán phản ánh kỳ này phải kế tiếp theo số liệu kế toán của kỳ trước
  • Phân loại, sắp xếp thông tin, số liệu kế toán theo trình tự, có hệ thống và có thể so sánh được.

Theo: Kế toán Hà Nội