Trong bài trước Trung tâm kế toán Hà Nội đã giới thiệu cho các bạn biết chi phí sản xuất kinh doanh là gì?;  ở bài này chúng tôi sẽ đề cập tới đối tượng kế toán chi phí sản xuất và đối tượng tính giá thành; Xác định và phân biệt đối tượng kế toán chi phí sản xuất và đối tượng tính giá thành: các phương pháp kế toán chi phí sản xuất và phương pháp tính giá thành.
chi-phi-san-xuat-kinh-doanh

1. Đối tượng kế toán chi phí sản xuất và đối tượng tính giá thành.

1.1. Khái niệm: Đối tượng kế toán chi phí sản xuất và đối tượng tính giá thành.

– Đối tượng kế toán chi phí sản xuất (CPSX) là phạm vi (giới hạn) tập hợp chi phí; tức là nơi phát sinh chi phí và nơi chịu chi phí.

– Đối tượng tính giá thành là sản phẩm, bán thành phẩm, công việc, dịch vụ, lao vụ nhất định đòi hỏi phải tính giá thành một đơn vị.

1.2. Xác định và phân biệt đối tượng kế toán chi phí sản xuất và đối tượng tính giá thành.

Để xác định và phân biệt đối tượng kế toán chi phí sản xuất và đối tượng tính giá thành cần dựa vào các cơ sở sau đây:

a) Dựa vào đặc điểm quy trình công nghệ sản xuất: Sản xuất giản đơn hay phức tạp.

– Với sản xuất giản đơn:

+ Đối tượng kế toán chi phí sản xuất có thể là sản phẩm hay toàn bộ quá trình sản xuất (nếu sản xuất một thứ sản phẩm) hoặc có thể là nhóm sản phẩm (nếu sản xuất nhiều thứ sản phẩm cùng tiến hành trong một quá trình lao động)

+ Đối tượng tính giá thành trong trường hợp này là sản phẩm cuối cùng.

– Với sản xuất phức tạp:

+ Đối tượng kế toán chi phí sản xuất có thể là bộ phận, chi tiết sản phẩm, các giai đoạn chế biến, phân xưởng sản xuất hoặc nhóm chi tiết, bộ phận sản phẩm, …

+ Đối tượng tính giá thành trong trường hợp này là thành phẩm ở bước chế tạo cuối cùng hay bán thành phẩm ở từng bước chế tạo.

b) Dựa vào loại hình sản xuất: Sản xuất đơn chiếc, sản xuất hàng loạt với số lượng nhỏ hay sản xuất hàng loạt với số lượng lớn.

– Với sản xuất đơn chiếc và sản xuất hàng loạt với số lượng nhỏ:

+ Đối tượng kế toán chi phí sản xuất là các đơn đặt hàng riêng biệt.

+ Đối tượng tính giá thành trong trường hợp này là sản phẩm của từng đơn đặt hàng.

– Với sản xuất hàng loạt với số lượng lớn: Phụ thuộc vào quy trình công nghệ sản xuất (giản đơn hay phức tạp) mà:

+ Đối tượng kế toán chi phí sản xuất có thể là bộ phận, chi tiết sản phẩm, các giai đoạn chế biến, phân xưởng sản xuất hoặc nhóm chi tiết, bộ phận sản phẩm, …như đã nêu ở trên.

+ Đối tượng tính giá thành trong trường hợp này là thành phẩm ở bước chế tạo cuối cùng hay bán thành phẩm ở từng bước chế tạo như đã nêu ở trên.

2. Phương pháp kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành.

2.1. Phương pháp kế toán chi phí.

– Phương pháp kế toán chi phí sản xuất là một phương pháp hay hệ thống các phương pháp được sử dụng để tập hợp và phân loại các chi phí sản xuất trong phạm vi giới hạn của đối tượng kế toán chi phí.

– Các phương pháp kế toán chi phí: Bao gồm các phương pháp kế toán chi phí theo sản phẩm, theo đơn đặt hàng, theo giai đoạn  công nghệ, theo phân  xưởng, theo nhóm sản phẩm v.v…

– Vận dụng các phương pháp kế toán chi phí sản xuất trong công tác kế toán hàng ngày: Kế toán mở các thẻ hoặc sổ chi tiết chi phí sản xuất theo từng đối tượng đã xác định, phản ánh các chi phí phát sinh có liên quan đến đối tượng, hàng tháng tổng hợp chi phí theo từng đối tượng.

Mỗi phương pháp kế toán chi phí tương ứng với một loại đối tượng kế toán chi phí nên tên gọi của phương pháp này biểu hiện đối tượng mà nó cần tập hợp và phân loại chi phí.

2.2. Phương pháp tính giá thành.

– Phương pháp tính giá thành được hiểu là một phương pháp hoặc hệ thống phương pháp được sử dụng để tính giá thành của đơn vị sản phẩm và mang tính thuần túy kỹ thuật tính toán chi phí cho từng đối tượng tính giá thành. Nói cách khác, phương pháp tính giá thành sản phẩm là các cách thức, các phương pháp tính toán, xác định giá thành đơn vị của từng loại sản phẩm, dịch vụ hoàn thành.

– Các phương pháp tính giá thành bao gồm: Phương pháp trực tiếp, phương pháp phân bước(tổng cộng chi phí), phương pháp tỷ lệ, phương pháp  hệ số, phương pháp loại trừ giá trị sản phẩm phụ và phương pháp liên hợp. Việc tính giá thành sản phẩm trong từng doanh nghiệp cụ thể, tùy thuộc vào đối tượng kế toán chi phí  và đối tượng tính giá thành mà có thể áp dụng một trong các phương pháp nói trên hoặc áp dụng kết hợp một số phương pháp với nhau.

Mời các bạn tìm hiểu về cách tính giá thành theo các phương pháp sau:

– Cách tính giá thành sản xuất theo phương pháp đơn đặt hàng

– Cách tính giá thành sản xuất theo phương pháp giản đơn

– Cách tính giá thành sản xuất theo phương pháp hệ số

– Cách tính giá thành sản xuất theo phương pháp tỷ lệ

– Cách tính giá thành sản xuất theo phương pháp loại trừ giá trị sản phẩm phụ 

– Cách tính giá thành sản xuất theo phương pháp phân bước có tính giá thành nửa thành phẩm 

– Cách tính giá thành sản xuất theo phương pháp phân bước không tính giá thành nửa thành phẩm

Ngoài ra với những doanh nghiệp có tổ chức sản xuất, tính chất quy trình công nghệ và tính chất sản phẩm làm ra đòi hỏi việc tính giá thành phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau (như doanh nghiệp hoá chất, dệt kim, đóng giày…).

Lưu ý: Trên thực tế các doanh nghiệp có thể kết hợp các phương pháp giản đơn với phương pháp cộng chi phí, phương pháp cộng chi phí với phương pháp tỉ lệ.