Trung tâm đào tạo kế toán Hà Nội gửi tới các bạn thông tư số 61/2007/TT-BTC về hướng dẫn thực hiện xử lý vi phạm pháp luật về thuế. 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ THUẾ

Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 29/12/2006;
Căn cứ các văn bản luật, pháp lệnh về thuế;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02/7/2002;
Căn cứ Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế  thi hành quyết định hành chính thuế;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính,
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc xử lý vi phạm pháp luật về thuế như sau:

A. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

I.  Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn việc xử lý vi phạm pháp luật về thuế và các khoản thu khác của Ngân sách Nhà nước (dưới đây gọi chung là thuế), nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế  thi hành quyết định hành chính thuế.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về thuế (sau đây gọi chung là người vi phạm), không phân biệt cố ý hoặc vô ý đều bị xử lý vi phạm pháp luật về thuế theo quy định của pháp luật về thuế và hướng dẫn tại Thông tư này, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác.

Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế do thực hiện các hành vi cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế đối với mọi vi phạm pháp luật do mình gây ra.

3. Các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, bao gồm:

3.1. Hành vi vi phạm quy định về thủ tục thuế:

– Hành vi vi phạm về chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế, chậm thông báo thay đổi thông tin so với thời hạn quy định;

– Hành vi vi phạm lập, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ khai thuế;

– Hành vi vi phạm về chậm nộp hồ sơ khai thuế so với thời hạn quy định;

– Hành vi vi phạm về vi phạm các quy định về cung cấp thông tin liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế;

– Hành vi vi phạm trong việc chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

3.2. Hành vi vi phạm chậm nộp tiền thuế.

3.3. Hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn.

3.4. Hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

3.5. Hành vi vi phạm  của cơ quan thuế, công chức thuế trong quản lý thuế.

3.6. Hành vi vi phạm của Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác, người bảo lãnh nộp tiền thuế, Kho bạc nhà nước, cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện các quy định của Luật Quản lý thuế.

3.7. Hành vi vi phạm về thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

II. Nguyên tắc xử lý vi phạm pháp luật về thuế

1. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về thuế phải được phát hiện và đình chỉ ngay. Việc xử lý vi phạm hành chính về thuế phải được tiến hành kịp thời, công  khai, minh bạch, triệt để. Mọi hậu quả do vi phạm pháp luật về thuế gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

2. Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử lý vi phạm pháp luật về thuế khi có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đã được quy định tại các luật thuế, pháp lệnh về thuế, Nghị định quy định chi tiết thi hành các luật thuế, pháp lệnh về thuế tại Chương XII, Luật Quản lý thuế và Nghị định số 98/2007/NĐ-CP nêu trên.

3. Một hành vi vi phạm pháp luật về thuế chỉ bị xử phạt một lần, cụ thể:

3.1. Một hành vi vi phạm pháp luật về thuế đã được người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hoặc đã lập biên bản để xử phạt thì không được lập biên bản, ra quyết định xử phạt lần thứ hai đối với hành vi đó. Trường hợp hành vi vi phạm vẫn tiếp tục được thực hiện mặc dù đã bị người có thẩm quyền xử phạt ra lệnh đình chỉ thì bị áp dụng biện pháp xử phạt với tình tiết tăng nặng theo hướng dẫn tại điểm 1, Mục III, Phần A  Thông tư này.

3.2. Trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về thuế có dấu hiệu tội phạm đã được chuyển hồ sơ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự mà trước đó đã có quyết định xử phạt vi phạm pháp luật về thuế thì người đã ra quyết định xử phạt phải huỷ bỏ quyết định xử phạt; nếu chưa ra quyết định xử phạt thì không thực hiện xử phạt vi phạm pháp luật về thuế đối với hành vi đó.

4. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật về thuế thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi đó.

5. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật về thuế thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.

6. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về thuế phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà ra quyết định xử phạt đối với từng người thực hiện cùng hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

7. Không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế đối với các trường hợp sau:

7.1. Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định;

7.2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, hoá đơn, chứng từ nhưng không xác định là trốn thuế, thiếu thuế, chậm nộp tiền thuế;

7.3. Người có hành vi vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hay khả năng điều khiển hành vi của mình;

7.4. Vi phạm hành chính trong các trường hợp tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ.

a) Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa;

b) Phòng vệ chính đáng là hành vi của một người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên;

c) Người thực hiện hành vi do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó.

Mời các bạn download trọn bộ thông tư số61/2007/TT-BTC TẠI ĐÂY