Trong bài viết: Chế độ thai sản mới nhất 2015, Kế toán Hà Nội đã gửi tới các bạn đầy đủ nội dung của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi về chế độ thai sản cho người lao động: điều kiện, quyền lợi hưởng chế độ thai sản, thủ tục, hồ sơ giải quyết chế độ thai sản… Ở bài viết này, chúng tôi xin tổng hợp lại các điểm mới nhất về chế độ thai sản năm 2015, đặc biệt là các lao động nữ cần quan tâm để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho mình.
1. Điểm mới về chế độ thai sản đối với lao động nam
Lần đầu tiên trong chính sách BHXH, nam giới được nghỉ việc hưởng chế độ nghỉ thai sản để chăm sóc gia đình khi vợ sinh con với nhiều mức hưởng khác nhau tùy theo số con được sinh, phương thức sinh.
Cụ thể, lao động nam sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 5 – 14 ngày khi vợ sinh. Luật bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 7 ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, đẻ dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày nếu sinh đôi và thêm 3 ngày/01 con nếu sinh 3 trở lên; 14 ngày nếu sinh 2 trở lên mà phải phẫu thuật.
Trong trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH, hoặc cả cha và mẹ đều tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con, cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Người mẹ không đủ thời gian đóng BHXH thì người cha nghỉ đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
Trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH, khi vợ sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng hai tháng tiền lương cơ sở cho mỗi con.
2. Quy định mới về mức đóng bảo hiểm xã hội
Trường hợp lao động nữ có thời gian đóng BHXH từ đủ 12 tháng nhưng vì lý do thai không bình thường phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chỉ cần đảm bảo điều kiện đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con (thay vì 6 tháng như quy định cũ).
Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hàng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng.
Lao động nữ được hưởng BHYT trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, và trong thời gian hưởng chế độ ốm đau khi NLĐ mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày…
3. Chế độ với lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ
Đây là lần đầu tiên Luật quy định mang tính nguyên tắc về quyền hưởng chế độ thai sản đối với người mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ. Luật Bảo hiểm xã hội mới quy định thêm chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để phù hợp với Luật hôn nhân và gia đình từ ngày 1/1/2015 cho phép lao động nữ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Theo đó quy định tối đa chế độ thai sản đối với lao động nữ được nhờ mang thai hộ là 4 tháng. Bởi Luật Lao động năm 2012 cho phép lao động nữ nghỉ tối thiểu 2 tháng trước khi sinh và 2 tháng sau khi sinh để phục hồi sức khỏe. Còn chế độ thai sản của người nhờ mang thai hộ sẽ tùy thuộc vào số tháng tuổi mà đứa con người mang thai hộ chuyển giao lại. Nếu đứa bé chuyển giao sau 6 tháng thì chắc chắn người mẹ sẽ không được hưởng chế độ thai sản. Còn chưa đủ 6 tháng tuổi thì người mẹ chính thống sẽ được hưởng cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
4. Quy định thời gian nghỉ thai sản
Theo luật sửa đổi, chế độ thai sản năm 2015 có nhiều thay đổi, người lao động được tăng thêm một tháng cho thời gian lao động nữ nghỉ thai sản trong trường hợp con chết sau khi sinh. Thời gian nghỉ thai sản tối thiểu phải đảm bảo người mẹ mang thai phục hồi sức khỏe, vì vậy Bộ Lao độngThương binh và Xã hội đang dự định đề xuất cho lao động nữ mang thai hộ được chế độ nghỉ thai sản tối đa 4 tháng. Đối với người mẹ nhờ mang thai hộ, tùy thuộc vào tháng tuổi của con, người mẹ sẽ được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con được 6 tháng tuổi như quy định nghỉ thai sản trong trường hợp nhận con nuôi.
5. Mức hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản một ngày
Luật BHXH sửa đổi quy định mức hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 24 ngày (hiện hành chia cho 26 ngày); tăng mức trợ cấp ốm đau đối với NLĐ mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày từ 45% lên 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm.
Mọi thắc mắc về chế độ thai sản, các bạn có thể gọi điện tới tổng đài hỗ trợ online của Kế toán Hà Nội: 1900 6246 để được tư vấn và giải đáp miễn phí!
Trả lời