Cho tôi hỏi công ty tôi siêu nhỏ thì có phải lập và nộp báo cáo tài chính cho cơ quan thuế không? (Anh Tuấn – Hải Phòng hỏi)
“Doanh nghiệp siêu nhỏ có phải lập và nộp báo cáo tài chính không?”. Đây cũng là câu hỏi của rất nhiều bạn kế toán đang thắc mắc khi làm kế toán cho loại hình doanh nghiệp này. Bài viết dưới đây hãy cùng Kế toán Hà Nội tìm hiểu nộp dung về lập báo cáo tài chính đối với doanh nghiệp siêu nhỏ? Thời hạn doanh nghiệp siêu nhỏ nộp báo cáo tài chính là khi nào?
Quy định về việc lập và nộp báo cáo tài chính đối với doanh nghiệp siêu nhỏ.
Căn cứ vào hình thức tính và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp để quyết định đến việc doanh nghiệp siêu nhỏ có bắt buộc lập báo cáo tài chính không?
1. Theo hướng dẫn tại Thông tư 132/2018/TT-BTC. Doanh nghiệp siêu nhỏ có thể áp dụng một trong 2 hình thức tính thuế TNDN. Đó là:
+ Hình thức 1: Thuế TNDN tính trên thu nhập tính thuế.
Khi đó doanh nghiệp sẽ áp dụng chế độ kế toán theo quy định tại Chương II Thông tư 132/2018/TT-BTC.
+ Hình thức 2: Tính thuế TNDN theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ.
Khi đó doanh nghiệp sẽ áp dụng chế độ kế toán theo quy định tại Chương III Thông tư 132/2018/TT-BTC.
2. Theo quy định tại Chương II và Chương III của Thông tư 132/2018/TT-BTC. Thì:
Trường hợp 1: Nếu Doanh nghiệp siêu nhỏ áp dụng tính thuế TNDN theo hình thức tính trên thu nhập tính thuế.
Thì hàng năm kế toán cần phải lập và nộp báo cáo tài chính và phụ biểu báo cáo tài chính. Bao gồm:
* Báo cáo tài chính:
– Báo cáo tình hình tài chính – Mẫu số B01 – DNSN
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh – Mẫu số B02 – DNSN.
* Ngoài ra còn phải lập và nộp thêm các phụ biểu báo cáo tài chính. Bao gồm:
– Bảng cân đối tài khoản – Mẫu số F01- DNSN.
– Báo cáo tình hình thực hiện nghĩa vụ với NSNN – Mẫu số F02- DNSN.
Lưu ý:
– Doanh nghiệp siêu nhỏ phải nộp báo cáo tài chính và các phụ biểu báo cáo tài chính cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp và cơ quan đăng ký kinh doanh.
– Thời hạn gửi báo cáo tài chính và các phụ biểu: chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính
Trường hợp 2: Nếu Doanh nghiệp siêu nhỏ áp dụng tính thuế TNDN theo hình thức tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ.
Thì kế toán không bắt buộc phải lập báo cáo tài chính để nộp cho cơ quan thuế mà chỉ thực hiện các báo cáo theo quy định của pháp luật thuế. Thời gian lập và nộp báo cáo thực hiện theo quy định của pháp luật thuế.
Tuy nhiên nếu trong trường hợp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ mà vẫn áp dụng chế độ kế toán theo PP tính theo thu nhập tính thuế thì Doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn phải lập BCTC theo quy định. Tuy nhiên BCTC được lập chỉ nhằm phục vụ mục đích lưu trữ, thanh tra, kiểm tra chứ không phải nộp cho cơ quan thuế.
Như vậy, “Doanh nghiệp siêu nhỏ có bắt buộc lập báo cáo tài chính không?”
Câu trả lời là:
– Trường hợp 1: Nếu DN thuế TNDN theo hình thức tính trên thu nhập tính thuế: thì phải lập và nộp BCTC.
– Trường hợp 2: Nếu DN thuế TNDN theo hình thức tính theo % trên doanh thu bán hàng hóa dịch vụ. Thì không phải lập và nộp BCTC. Nếu vẫn áp dụng theo trường hợp 1 thì vẫn phải lập nhưng không phải nộp BCTC).
Thời hạn để doanh nghiệp siêu nhỏ nộp báo cáo tài chính?
Căn cứ Điều 14 Thông tư 132/2018/TT-BTC quy định như sau:
Trách nhiệm, thời hạn lập và gửi báo cáo tài chính
1. Hàng năm, các doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế TNDN theo phương pháp tính trên thu nhập tính thuế phải lập báo cáo tài chính và các phụ biểu báo cáo tài chính theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư này.
2. Báo cáo tài chính và các phụ biểu báo cáo tài chính của doanh nghiệp siêu nhỏ phải được gửi cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính đồng thời phải được bảo quản, lưu trữ tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật kế toán để phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, doanh nghiệp siêu nhỏ phải nộp báo cáo tài chính chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Không nộp báo cáo tài chính doanh nghiệp siêu nhỏ có thể bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ khoản 4 Điều 12 Nghị định 41/2018/NĐ-CP có quy định:
Xử phạt hành vi vi phạm quy định về nộp và công khai báo cáo tài chính
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định;
b) Công khai báo cáo tài chính chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Công khai báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung theo quy định;
b) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đính kèm báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật quy định phải kiểm toán báo cáo tài chính;
c) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định;
d) Công khai báo cáo tài chính không kèm theo báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật yêu cầu phải kiểm toán báo cáo tài chính;
đ) Công khai báo cáo tài chính chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thông tin, số liệu công khai báo cáo tài chính sai sự thật;
b) Cung cấp, công bố các báo cáo tài chính để sử dụng tại Việt Nam có số liệu không đồng nhất trong một kỳ kế toán.
4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Không công khai báo cáo tài chính theo quy định.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp và công khai báo cáo kiểm toán đính kèm báo cáo tài chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, d khoản 2 Điều này.
Theo đó, doanh nghiệp siêu nhỏ không nộp báo cáo tài chính có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
Trên đây là quy định về lập và nộp báo cáo tài chính và mẫu báo cáo tài chính đối với doanh nghiệp siêu nhỏ.
Để lại một bình luận