Tiền lương của công nhân viên doanh nghiệp xây dựng gồm: tiền lương, phụ cấp lưu động, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội và các khoản phải trả khác thuộc về thu nhập của công nhân viên (thuộc biên chế của doanh nghiệp) và tiền công phải trả cho lao động thuê ngoài. Hạch toán tốt tiền lương và sử dụng lao động hợp lý là một trong những biện pháp hạ giá thành sản phẩm của doanh nghiệp. Việc hạch toán tốt tiền lương sẽ góp phần tăng cường chế độ hạch toán nội bộ trong doanh nghiệp.

hach-toan-tien-luong

>> Xem thêm: Học làm kế toán doanh nghiệp xây lắp

1. Hạch toán số lượng lao động

Sự thay đổi về số lượng và chất lượng lao động trong doanh nghiệp xây lắp thường do các nguyên nhân sau:

– Tuyển dụng mới CNV, nâng bậc thợ;

– Nghỉ việc (nghỉ hưu, nghỉ mất sức, chuyển công tác, thôi việc…)

Căn cứ vào các chứng từ ban đầu như: quyết định tuyển dụng, quyết định cho chuyển công tác, thôi việc, quyết định nâng bậc thợ… để theo dõi, hạch toán sự thay đổi về số lượng và chất lượng lao động. Chỉ tiêu số lượng lao động của doanh nghiệp xây lắp được phản ánh trên “Sổ sách lao động của doanh nghiệp”.

2. Hạch toán thời gian lao động

Hạch toán tình hình sử dụng thời gian lao động bao gồm hạch toán số giờ công tác của CNV và hạch toán thời gian lao động tiêu hao cho từng công việc hoặc sản xuất từng loại sản phẩm trong doanh nghiệp.

Hạch toán tính hình sử dụng thời gian lao động bằng việc sử dụng bảng chấm công để theo dõi thời gian làm việc của CNV. Trong bảng chấm công ghi rõ thời gian làm việc, thời gian vắng mặt và ngừng việc với các lí do cụ thể. Bảng chấm công do tổ trưởng ghi chép và tổng hợp nộp cho phòng kế toán vào cuối tháng để làm căn cứ tính lương.

3. Hạch toán kết quả lao động:

Tùy từng loại hình sản xuất và điều kiện tổ chức lao động mà áp dụng các chứng từ thích hợp. Các chứng từ thường được sử dụng để hạch toán kết quả lao động là: Phiếu xác nhận sản phẩm và công việc đã hoàn thành, hợp đồng giao khoán, bảng giao nhận sản phẩm…

4. Hạch toán chi tiết tiền lương và các khoản trích theo lương

Căn cứ vào các chứng từ ban đầu như: bảng chấm công hoặc theo dõi công tác của các tổ, phiếu làm thêm, phiếu làm thêm giờ, phiếu giao nộp sản phẩm, hợp đồng giao khoán, phiếu nghỉ hưởng BHXH,… để làm bảng tính và thanh toán lương và BHXH cho người lao động. Căn cứ vào bảng tính lương kế toán lập bảng tính và phân bổ chi phí tiền lương cùng các khoản trích theo lương vào chi phí của từng đơn vị sản xuất, bộ phận sử dụng lao động.