Trung tâm kế toán Hà Nội hướng dẫn giải đáp một số câu hỏi thắc mắc của bạn về chế độ thai sản trong các trường hợp.

che-do-thai-san-1435653700

Câu hỏi 1:

Tôi đã đóng BHXH từ tháng 12-2014, dự kiến sinh con tháng 10-2015. Vậy tôi có được hưởng chế độ thai sản không? (Nguyễn Hồng Thu – Long Biên, Hà Nội)

Trả lời:

Theo điều 28 Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau: “Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc trường hợp sau đây: là lao động nữ sinh con nhưng phải đóng BHXH từ sáu tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi”.

Theo quy định tại khoản 1, mục II, phần B thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH, ngày 30-1-2007 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn thực hiện một số điều của nghị định số 152/2006/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau: “Lao động nữ sinh con và người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi phải đóng BHXH từ sáu tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi”.

Như vậy đối với trường hợp của bạn:

1. Nếu bạn sinh con trước ngày 15-10-2015 (tính từ ngày 1-10-2015 đến 14-10-2015), thì khoảng thời gian 12 tháng trước khi bạn sinh con được tính từ tháng 10-2014 đến tháng 9-2015, mà bạn đã đóng BHXH từ sáu tháng trở lên thì bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.

2. Nếu bạn sinh con từ ngày 15-10-2015 trở đi (tính từ ngày 15-10-2015 đến 31-10-2015) thì khoảng thời gian 12 tháng trước khi bạn sinh con được tính từ tháng 11-2014 đến tháng 10-2015, mà bạn đã đóng BHXH từ sáu tháng trở lên thì bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.

Câu hỏi 2:

Tôi dự sinh cháu vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11/2015. Tổng thời gian tôi đóng bảo hiểm được 2 năm 9 tháng, tuy nhiên cơ quan tôi mới chuyển qua chỉ đóng bảo hiểm cho tôi bắt đầu từ tháng 5/2014. Ngày 2/5/2015, tôi bị cơ quan này cho nghỉ vì vi phạm quy định công ty sinh con trước thời hạn cam kết 3 năm. Vậy xin hỏi tôi có được hưởng bảo hiểm thai sản không ạ? Các thủ tục giấy tờ để hưởng chế độ thai sản. (Bùi Lan Phương – Trực Ninh, Nam Định)

Trả lời:

Chào bạn, Theo điều 28 Luật BHXH quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi;

d) Người lao động đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản.

2. Người lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian mười hai tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.  

Đối với trường hợp của bạn, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 11/2014 đến tháng 10/2015. Trong đó, thời gian bạn đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 5/2014 đến tháng 4/2015 là đủ 06 tháng. Như vậy, bạn đủ điều kiện để được hưởng chế độ thai sản.

Hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi sinh con của người lao động không còn quan hệ lao động (quy định tại Điều 53 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về bảo hiểm xã hội bắt buộc) gồm có:

  1. Sổ BHXH;
  2. Bản sao Giấy chứng sinh hoặc bản sao Giấy khai sinh của con.

Bạn mang hồ sơ này đến nộp tại cơ quan bảo hiểm xã hội quận, huyện nơi bạn đang cư trú.

Câu hỏi 3:

Em có quyết định biên chế viên chức từ ngày 1/6, dự kiến sinh của em khoảng tháng 9, tới thời điểm đó em mới đóng bảo hiểm xã hội được 3 hoặc 4 tháng. Vậy em có được hưởng quyền lợi gì về chế độ thai sản không? (Trương Ngọc Hoa – Đông Anh, Hà Nội)

Trả lời:

Theo Quy định tại Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội thì điều kiện hưởng chế độ thai sản được xác định như sau:

“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi;

d) Người lao động đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản.

2. Người lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian mười hai tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi”.

Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì được hưởng chế độ thai sản khi đi khám thai, khi sẩy thai, nạo, hút hoặc thai chết lưu, thực hiện các biện pháp tránh thai theo quy định. Trước khi sinh con, bạn đã đóng bảo hiểm xã hội được 3 hoặc 4 tháng. Như vậy bạn được hưởng chế độ thai sản trong các trường hợp trên, hay nói cách khác, bạn sẽ được hưởng chế độ cho những ngày đi khám thai…

Mức hưởng chế độ thai sản trong các trường hợp này là mức bình quân tiền lương, tiền công tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể như sau:

Mức hưởng khi nghỉ việc đi khám thai, hoặc sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu, thực hiện các biện pháp tránh thai = Mức bình quân tiền lương tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của các tháng đã đóng BHXH trước khi nghỉ việc/26 ngày x 100% x Số ngày nghỉ việc theo chế độ thai sản.

Câu hỏi 4:

Tôi vừa sinh đôi và đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được 7 năm. Tiền thai sản của tôi được tính như thế nào? Sau sinh, do điều kiện kinh tế và công việc nên tôi muốn đi làm sớm trước 2 tháng. Vậy tôi có được hưởng chế độ dưỡng sức không? (Nguyễn Ngọc Linh – Thanh Xuân, Hà Nội)

Trả lời:

Bộ luật lao động quy định: Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con tổng cộng là 6 tháng.

Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm một tháng. Như vậy, trường hợp của bạn, số tháng nghỉ sinh con theo chế độ mà bạn được hưởng là 7 tháng. Mức hưởng khi nghỉ việc sinh con được tính theo công thức sau:

Mức hưởng khi nghỉ sinh con = mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc x số tháng nghỉ theo chế độ sinh con.

Trường hợp của bạn là được nghỉ 7 tháng.

Chế độ dưỡng sức theo quy định của Luật BHXH chỉ áp dụng đối với trường hợp lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Trường hợp bạn muốn đi làm sớm trước 2 tháng do điều kiện kinh tế và công việc thì không được hưởng chế độ này.

Còn công ty trả lương bổ sung cho bạn do đi làm sớm như thế nào thì đó là theo quy định của thỏa ước lao động giữa công ty và nhân viên.

Mọi thắc mắc thêm về chế độ thai sản 2015, các bạn có thể gửi email về địa chỉ kthngiaidap@gmail.com, Kế toán Hà Nội sẽ trả lời giúp các bạn!