Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định như thế nào. Bài viết này Kế toán Hà Nội giúp bạn hiểu nguyên tắc kế toán tiền trong doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023 mới nhất.

1. Nguyên tắc kế toán tiền trong doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 133/2016/TT-BTC nguyên tắc kế toán tiền trong doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:

– Kế toán phải mở sổ kế toán ghi chép hàng ngày liên tục theo trình tự phát sinh các khoản thu, chi, nhập, xuất các loại tiền và tính ra số tồn tại quỹ và từng tài khoản ở Ngân hàng tại mọi thời điểm để tiện cho việc kiểm tra, đối chiếu.

– Các khoản tiền do tổ chức và cá nhân ký cược, ký quỹ tại doanh nghiệp được quản lý và hạch toán như tiền của doanh nghiệp.

– Khi thu, chi tiền mặt phải có phiếu thu, phiếu chi và có đủ chữ ký theo quy định về chứng từ kế toán. Khi hạch toán tiền gửi ngân hàng phải có giấy báo Nợ, giấy báo Có hoặc bảng sao kê của ngân hàng.

– Kế toán phải theo dõi chi tiết tiền theo nguyên tệ. Khi phát sinh các giao dịch bằng ngoại tệ, kế toán phải quy đổi ngoại tệ ra đồng tiền ghi sổ kế toán (đơn vị tiền tệ kế toán) theo nguyên tắc:

+ Bên Nợ các tài khoản tiền áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế;

+ Bên Có các tài khoản tiền được lựa chọn áp dụng tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền hoặc tỷ giá giao dịch thực tế.

Việc xác định tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền, tỷ giá giao dịch thực tế thực hiện theo quy định tại Điều 52 Thông tư 133/2016/TT-BTC.

– Trường hợp doanh nghiệp sử dụng tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán bên Có các tài khoản tiền, khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ được ghi nhận đồng thời tại thời điểm chi tiền hoặc ghi nhận định kỳ tùy theo đặc điểm hoạt động kinh doanh và yêu cầu quản lý của doanh nghiệp. Đồng thời, nếu tại thời điểm cuối kỳ kế toán:

+ Các tài khoản tiền không còn số dư nguyên tệ thì doanh nghiệp phải kết chuyển toàn bộ chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính của kỳ báo cáo.

+ Các tài khoản tiền còn số dư nguyên tệ thì doanh nghiệp phải đánh giá lại theo quy định tại Điều 52 Thông tư 133/2016/TT-BTC.

– Tại thời điểm lập Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật doanh nghiệp phải đánh giá lại số dư ngoại tệ theo tỷ giá chuyển khoản trung bình cuối kỳ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch.

Việc xác định tỷ giá chuyển khoản trung bình và xử lý chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các Tài khoản tiền bằng ngoại tệ được thực hiện theo quy định tại Điều 52 Thông tư 133/2016/TT-BTC.

2. Đơn vị tiền tệ trong kế toán đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 133/2016/TT-BTC thì đơn vị tiền tệ trong kế toán đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:

“Đơn vị tiền tệ trong kế toán” là Đồng Việt Nam (ký hiệu quốc gia là “đ”; ký hiệu quốc tế là “VND”) được dùng để ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Trường hợp đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng ngoại tệ, đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 Thông tư Thông tư 133/2016/TT-BTC thì được chọn một loại ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán.

3. Thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 133/2016/TT-BTC thì thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:

Khi có sự thay đổi lớn về hoạt động quản lý và kinh doanh dẫn đến đơn vị tiền tệ kế toán được sử dụng trong các giao dịch kinh tế không còn thỏa mãn các tiêu chuẩn tại khoản 2, 3 Điều 6 Thông tư 133/2016/TT-BTC thì doanh nghiệp được thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán. Việc thay đổi từ một đơn vị tiền tệ ghi sổ kế toán này sang một đơn vị tiền tệ ghi sổ kế toán khác chỉ được thực hiện tại thời điểm bắt đầu niên độ kế toán mới.

Doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán chậm nhất là sau 10 ngày làm việc kể từ ngày thay đổi đơn vị tiền tệ.