Kế toán Hà Nội giới thiệu một số thông tin về kiểm toán báo cáo tài chính? Đối tượng, mục tiêu, nguyên tắc cơ bản của kiểm toán BCTC; các chu trình kiểm toán BCTC, phương pháp, quy trình kiểm toán BCTC
I. Kiểm toán báo cáo tài chính là gì?
1. Khái niệm kiểm toán báo cáo tài chính là gì?
Kiểm toán báo cáo tài chính là việc kiểm tra và xác nhận về tính trung thực và hợp lý của các tài liệu, số liệu kế toán và báo cáo tài chính của đơn vị kế toán phục vụ đối tượng có nhu cầu sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính của đơn vị. Thước đo để đánh giá kiểm toán BCTC là hệ thống chuẩn mực kế toán và kiểm toán.
Công việc kiểm toán báo cáo tài chính thường do các doanh nghiệp kiểm toán thực hiện để phục vụ cho các nhà quản lý, chính phủ, các ngân hàng và nhà đầu tư, cho người bán, người mua.
Ví dụ:
– Đối với nhà quản lý: giúp cho họ thấy rõ những tồn tại, sai sót để khắc phục nhằm nâng cao chất lượng thông tin tài chính của đơn vị,…
– Đối với ngân hàng, nhà đầu tư: xem xét việc cho vay vốn, …
– Đối với người bán: xem xét việc cho bán chịu, …
2. Đối tượng kiểm toán BCTC:
Đối tượng kiểm toán BCTC là các BCTC (bao gồm: Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Bản thuyết minh BCTC) và các bảng khai thác theo luật định.
3. Mục tiêu kiểm toán báo cáo tài chính:
- Mục tiêu tổng quát: được hiểu là tìm kiếm bằng chứng kiểm toán để đưa ra ý kiến về tính trung thực, hợp lý của thông tin trình bày trên Bảng khai tài chính.
- Mục tiêu kiểm toán chung: là việc xem xét đánh giá tổng thể số tiền ghi trên các chu trình, trên cơ sở các cam kết chung về trách nhiệm của nhà quản lý về những thông tin thu được qua khảo sát thực tế ở đơn vị được kiểm toán (đồng thời xem xét cả tới các mục tiêu chung khác bao gồm mục tiêu có thực, đầy đủ trọn vẹn, mục tiêu về tính chính xác cơ học, mục tiêu về định giá hay phân loại trình bày, mục tiêu về quyền và nghĩa vụ).
4. Nguyên tắc cơ bản của kiểm toán BCTC:
- Tuân thủ pháp luật;
- Tuân thủ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp: Độc lập, chính trực, khách quan, năng lực chuyên môn và tính thận trọng, tính bảo mật, tư cách nghề nghiệp;
- Tuân thủ chuẩn mực chuyên môn;
- KTV phải có thái độ hoài nghi mang tính nghề nghiệp.
II. Chu trình kiểm toán BCTC
1. Kiểm toán BCTC bao gồm các chu trình cơ bản sau:
- Kiểm toán chu trình bán hàng- thu tiền.
- Kiểm toán chu trình mua hàng- thanh toán.
- Kiểm toán chu trình Hàng tồn kho.
- Kiểm toán chu trình lương và phải trả người lao động.
- Kiểm toán chu trình TSCĐ và XD cơ bản.
2. Mối quan hệ giữa các chu trình được thể hiện qua sơ đồ:
Qua đó có thể thấy chu trình hàng tồn kho có quan hệ với tất cả các chu trình khác, chỉ khác ở góc độ trực tiếp hay gián tiếp. Đặc biệt là mối quan hệ mật thiết với chu trình Mua hàng- thanh toán, tiền lương nhân viên, bán hàng- thu tiền. Đó là những chu trình, những đầu mối quan trọng với cả khách hàng và công ty kiểm toán. Cụ thể hơn, trong công tác kế toán tại doanh nghiệp, kết quả của hàng tồn kho không chỉ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu trên Bảng cân đối kế toán mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với kiểm toán, kết quả kiểm toán chu trình hàng tồn kho giúp các kiểm toán viên có thể kết hợp, đối chiếu và kiểm tra kết quả của các chu trình khác (mua hàng, tiền lương..) từ đó tiết kiệm được thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công tác. Chính từ những đặc điểm nêu trên, các kiểm toán viên luôn xác định kiểm toán hàng tồn kho là trọng tâm khi tiến hành kiểm toán Báo cáo tài chính.
III – Phương pháp kiểm toán:
Kiểm toán tài chính là hoạt động đặc trưng của hoạt động kiểm toán nói chung do đó để thực hiện chức năng xác minh và bày tỏ ý kiến, kiểm toán tài chính cũng sử dụng các phương pháp kiểm toán chứng từ (kiểm toán các quan hệ cân đối, đối chiếu trực tiếp, đối chiếu logic) và kiểm toán ngoài chứng từ (Kiểm kê, thực nghiệm, điều tra).
Do mỗi loại kiểm toán có chức năng cụ thể khác nhau, đối tượng kiểm toán khác nhau và quan hệ chủ thể, khách thể kiểm toán khác nhau nên cách thức kết hợp các phương pháp kiểm toán cơ bản trên cũng khác nhau. Trong kiểm toán tài chính, các phương pháp kiểm toán cơ bản được triển khai theo hướng kết hợp lại hoặc chi tiết hơn tuỳ tình huống cụ thể trong suốt quá trình kiểm toán.
Trong quá trình thực hiện kiểm toán, người ta chia các phương pháp kiểm toán thành hai loại:
1. Thử nghiệm cơ bản: Là thủ tục kiểm toán được thiết kế nhằm phát hiện các sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu. Các thử nghiệm cơ bản bao gồm:
- Kiểm tra chi tiết (các nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh);
- Thủ tục phân tích cơ bản.
2. Thử nghiệm kiểm soát: Là thủ tục kiểm toán được thiết kế nhằm đánh giá tính hữu hiệu của hoạt động kiểm soát trong việc ngăn ngừa, hoặc phát hiện và sửa chữa các sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu.
IV. Quy trình kiểm toán BCTC
Trong kiểm toán Báo cáo tài chính, để thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán có giá trị để làm căn cứ cho kết luận của kiểm toán viên về tính trung thực và hợp lý của thông tin trên Báo cáo tài chính đồng thời đảm bảo tính hiệu quả, kinh tế, tính hiệu lực của từng cuộc kiểm toán, kiểm toán viên phải xây dựng được quy trình cụ thể cho cuộc kiểm toán đó. Thông thường, mỗi quy trình kiểm toán được chia thành 3 bước:
Lập kế hoạch kiểm toán, đánh giá rủi ro và biện pháp xử lý đối với rủi ro đã đánh giá
Thực hiện kiểm toán
Tổng hợp, kết luận và hình thành ý kiến kiểm toán
1. Lập kế hoạch kiểm toán, đánh giá rủi ro và biện pháp xử lý đối với rủi ro đã đánh giá:
Kiểm toán viên và Công ty kiểm toán phải lập kế hoạch kiểm toán trong đó mô tả phạm vi dự kiến và cách thức tiến hành công việc kiểm toán. Kế hoạch kiểm toán phải đầy đủ, chi tiết để làm cơ sở cho chương trình kiểm toán. Trong bước công việc này, bắt đầu từ thư mời kiểm toán, kiểm toán viên sẽ tìm hiểu khách hàng với mục đích hình thành hợp đồng hoặc đưa ra được kế hoạch chung. Kiểm toán viên cần thu thập các thông tin cụ thể về khách hàng, tìm hiểu đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ … Bên cạnh đó, trong khi lập kế hoạch, công ty kiểm toán cũng phải có sự chuẩn bị về phương tiện và nhân viên cho việc triển khai thực hiện chương trình đã xây dựng.
Ngoài ra, KTV và Công ty Kiểm toán phải xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn ở cấp độ báo cáo tài chính và cấp độ cơ sở dẫn liệu, thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị, trong đó có kiểm soát nội bộ, từ đó cung cấp cơ sở cho việc thiết kế và thực hiện các biện pháp xử lý đối với rủi ro có sai sót trọng yếu đã được đánh giá.
Các chuẩn mực kiểm toán liên quan:
- Hợp đồng kiểm toán (CM 210, Đ 42-LKTĐL);
- Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị (CM 315);
- Mức trọng yếu trong lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán (CM 320);
- Biện pháp xử lý của KTV đối với rủi ro đánh giá (CM 330);
- Lập kế hoạch kiểm toán (CM 300);
- Các yếu tố cần xem xét khi kiểm toán đơn vị có sử dụng dịch vụ bên ngoài (CM 402).
2. Thực hiện kiểm toán:
Các kiểm toán viên sẽ sử dụng các phương pháp kỹ thuật thích ứng với từng đối tượng cụ thể để thu thập bằng chứng kiểm toán. Thực chất của quá trình này là việc triển khai một cách chủ động và tích cực các kế hoạch, chương trình kiểm toán nhằm đưa ra ý kiến xác thực về tính trung thực và hợp lý của các thông tin trên Báo cáo tài chính dựa vào các bằng chứng kiểm toán đầy đủ, có giá trị. Đây là giai đoạn các kiểm toán viên thực hiện các thủ tục kiểm toán được hình thành từ các loại trắc nghiệm, là thủ tục kiểm soát, thủ tục phân tích và thủ tục kiểm tra chi tiết. Thủ tục kiểm toán được hình thành rất đa dạng và căn cứ vào kết quả đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng, từ đó đi đến quyết định sử dụng các thủ tục khác nhau.
Các chuẩn mực kiểm toán liên quan:
- Thực hiện kiểm toán các khoản mục chủ yếu của BCTC;
- Đánh giá các sai sót phát hiện trong quá trình kiểm toán (CM 450).
3. Tổng hợp, kết luận và hình thành ý kiến kiểm toán:
Là lúc kiểm toán viên đưa ra kết luận kiểm toán. Các kết luận này nằm trong báo cáo hoặc biên bản kiểm toán. Để đưa ra được những ý kiến chính xác, kiểm toán viên phải tiến hành các công việc cụ thể như: xem xét các khoản nợ ngoài dự kiến, xem xét các sự kiện xảy ra sau ngày kết thúc niên độ, xem xét tính liên tục trong hoạt động của đơn vị, thu thập thư giải trình của Ban Giám đốc… Cuối cùng, kiểm toán viên tổng hợp kết quả, lập nên Báo cáo kiểm toán đồng thời có trách nhiệm giải quyết các sự kiện phát sinh sau khi lập Báo cáo kiểm toán. Tùy theo kết quả, các kiểm toán viên có thể đưa ra 1 trong 2 ý kiến: Ý kiến chấp nhận toàn phần và Ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần.
Các chuẩn mực kiểm toán liên quan:
- Báo cáo kiểm toán về BCTC (CM 700, 705, 706);
- Thông tin so sánh – Dữ liệu tương ứng và BCTC so sánh (CM 710);
- Các thông tin khác trong tài liệu có BCTC đã kiểm toán (CM 720).
Trên đây là một số khái quát cơ bản về kiểm toán BCTC, chúng tôi hi vọng có thể bổ sung thêm một số thông tin cũng như kiến thức về kiểm toán BCTC để làm hành trang cho các bạn trên con đường kiểm toán sắp tới.
Anh Thư viết
Chị ơi, có thể giải đáp giúp em 2 câu này được không ạ
Câu 1: Nêu nội dung cơ bản giống nhau và khác nhau giữa báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính của các loại kiểm toán viên? Lý do chủ yếu của sự giống hay khác nhau đó?
Câu2: Công ty cổ phần dược phẩm TS muốn chào bán cổ phần ra công chúng nên cần mời kiểm toán. Hãy xác định đây là loại hình kiểm toán gì nếu phân loại theo đối tượng cụ thể? Có thể do chủ thể kiểm toán nào thực hiện? Trình bày các đặc trưng cơ bản của chủ thể kiểm toán đó?
Em cảm ơn ạ.
Đặng Thành Vinh viết
cho em hỏi bản chất kiểm toán báo cáo tài chính là gì ạ
Trung tâm kế toán Hà Nội viết
Chào bạn, bạn có nhu cầu tư vấn về nghiệp vụ kế toán vui lòng liên hệ tổng đài 19006246 để được tư vấn cụ thể!
0969309968 viết
Mong được tư vấn
Trung tâm kế toán Hà Nội viết
Chào bạn, trung tâm sẽ liên hệ tư vấn cho bạn sớm nhất!
0988022037 viết
chị ơi, trong kiểm toán BCTC người ta sử dụng pp chứng từ là chủ yếu đúng hay sai ạ?