Thời hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2022 sắp đến. Bài viết này Kế toán Hà Nội giới thiệu những lưu ý khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2022. Mời các bạn tham khảo:

Căn cứ khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Công văn số 636/TCT-DNNCN của Tổng cục Thuế, thời hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2022 đối với hồ sơ của tổ chức chậm nhất là ngày 31/03/2023; đối với hồ sơ của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế chậm nhất là ngày 30/04/2023 (thường sẽ được tính bù thành ngày 02/05/2023).

1. Đối tượng phải nộp quyết toán thuế TNCN

Căn cứ điểm d khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP và Công văn 636 hướng dẫn quyết toán thuế TNCN những đối tượng sau phải quyết toán thuế TNCN: tổ chức, cá nhân trả tiền lương, tiền công: thực hiện quyết toán thuế thay cho cá nhân có uỷ quyền mà không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không.

Đối với việc ủy quyền quyết toán thuế TNCN: người lao động ký hợp đồng từ 3 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm thực hiện quyết toán thuế.

Trường hợp này áp dụng cho cả đối tượng có thu nhập vãng lai không quá 10 triệu đồng ở nơi khác và đã được khấu trừ 10% thuế TNCN nếu không có yêu cầu quyết toán với phần thu nhập này.

Cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế gồm các đối tượng: có số thuế phải nộp thuế/nộp thừa đề nghị hoàn/bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo trừ trường hợp: số thuế phải nộp thuế sau khi quyết toán của từng năm dưới 50.000 đồng trở xuống; thuế phải nộp nhỏ hơn thuế đã tạm nộp và không yêu cầu hoàn thuế, bù trừ vào kỳ tiếp theo…

Có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày (tính trong năm dương lịch đầu tiên) và từ 183 ngày trở lên tính trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

Người nước ngoài hết hợp đồng làm việc tại Việt Nam quyết toán thuế trước khi xuất cảnh…

2. Đối tượng không phải nộp quyết toán thuế TNCN

Điểm d khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP và Công văn 636/TCT-DNNCN đã quy định một số trường hợp sẽ không phải quyết toán thuế TNCN.

Thứ nhất, tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế TNCN. Nghĩa là, trong kỳ tính thuế TNCN không trả lương, tiền công cho người lao động thì không phải khai quyết toán thuế TNCN.

Riêng trường hợp có trả tiền lương, tiền công nhưng không phát sinh khấu trừ thuế TNCN thì vẫn phải khai quyết toán thuế theo quy định.

Thứ hai, đối với cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế, nếu cá nhân có số thuế TNCN phải nộp thêm sau quyết toán của từng năm từ 50.000 đồng trở xuống sẽ không phải quyết toán thuế.

Khi đó, cá nhân được miễn thuế trong trường hợp này tự xác định số tiền thuế được miễn, không bắt buộc phải nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN và không phải nộp hồ sơ miễn thuế. Trường hợp kỳ quyết toán từ năm 2019 trở về trước đã quyết toán trước thời điểm 5/12/2020 thì không xử lý hồi tố.

Thứ ba, cá nhân có số thuế TNCN phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo.

Thứ tư, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

Thứ năm, cá nhân được người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà người sử dụng lao động, hoặc doanh nghiệp bảo hiểm đã khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm tương ứng với phần người sử dụng lao động mua, hoặc đóng góp cho người lao động, thì người lao động không phải quyết toán đối với phần thu nhập này.

Trường hợp người nộp thuế chậm quyết toán thuế TNCN, căn cứ Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, tùy theo thời gian chậm quyết toán mà có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt thấp nhất là 2 triệu đồng và mức cao nhất là 25 triệu đồng.

Ngoài nộp phạt, nếu chậm nộp thì còn phải nộp khoản tiền chậm nộp. Cụ thể: tiền chậm nộp tiền phạt tính theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền phạt nộp chậm.

3. Lưu ý khi quyết toán thuế TNCN 2022

3.1. Điều Kiện Được Ủy Quyền Quyết Toán Thuế TNCN

– Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại doanh nghiệp (kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm dương lịch)

– Cá nhân ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thời điểm quyết toán thuế TNCN vẫn đang làm việc tại DN đó đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ 10% thuế TNCN nếu không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập vãng lai.

– Cá nhân được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới do: Tổ chức cũ thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc tổ chức cũ và tổ chức mới trong cùng 1 hệ thống thì cá nhân được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức mới

Lưu ý:

– Cá nhân ủy quyền quyết toán thuế TNCN phải có MST cá nhân. (Nếu không có MST thì Lập Tờ khai quyết toán thuế TNCN trên phần mềm HTKK sẽ không kết xuất được).

– Tổ chức trả thu nhập chỉ thực hiện nhận ủy quyền quyết toán thay cho cá nhân đối với phần thu nhập từ tiền lương, tiền công mà cá nhân nhận được từ tổ chức trả thu nhập, trừ trường hợp các doanh nghiệp trong năm có chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi và trường hợp người lao động điều chuyển giữa các tổ chức trong cùng một hệ thống như: Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty mẹ – con, Trụ sở chính và chi nhánh.

– Cá nhân được người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà người sử dụng lao động hoặc doanh nghiệp bảo hiểm đã khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm tương ứng với phần người sử dụng lao động theo hướng dẫn tại Khoản 2, Điều 14 Thông tư số 92/2015/TT-BTC thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

– Cá nhân ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán thay ⇒ Phải theo mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC, kèm theo bản chụp hóa đơn, chứng từ chứng minh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học (nếu có).

– Trường hợp tổ chức trả thu nhập có số lượng lớn người lao động ủy quyền quyết toán thuế thì tổ chức trả thu nhập có thể lập danh sách các cá nhân ủy quyền trong đó phản ánh đầy đủ các nội dung tại mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN, đồng thời cam kết tính chính xác, trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu, nội dung trong danh sách.

– Năm nào cũng phải làm Giấy ủy quyền quyết toán thuế TNCN.

3.2. Đã ủy quyền quyết toán thì lưu ý phải tích vào chỗ ủy quyền trong phụ lục mẫu 05-1bk

(Lưu ý đối với người lao động ủy quyền bạn phải in giấy ủy quyền để họ ký)

3.3. Ủy quyền thì giảm trừ bản thân trọn 12 tháng (11 triệu đồng/tháng)

3.4. Nếu làm 2 nơi cùng 1 lúc (một thời điểm) thì giảm trừ cá nhân được 1 nơi: nên chọn nơi có thu nhập cao hơn đề giảm trừ

3.5. Người phụ thuộc thì giảm trừ theo số tháng kể từ phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng. Mức giảm từ 4,4 triệu/tháng

3.6. Đăng ký hồ sơ người phụ thuộc đầy đủ và đúng hạn. Lưu ý đặc biệt trong năm có người lao động mới vào làm tại công ty, nếu họ có người phụ thuộc thì phải đăng ký lại như lần đầu

3.7. Nếu cá nhân tự đi quyết toán thì yêu cầu các doanh nghiệp đã khấu trừ thuế mình cung cấp chứng từ khấu trừ thuế để sau này được bù trừ số phải nộp hoặc hoàn

3.8. Doanh nghiệp phải cấp chứng từ khấu trừ thuế cho người lao động

3.9. Nếu khi quyết toán thuế theo diện ủy quyền mà số thuế tính ra khi quyết toán nhỏ hơn số đã khấu trừ thì được giảm trừ lần nộp sau hoặc được hoàn nếu có yêu cầu

Lưu ý về thuế TNCN

3.10. Mẫu biểu kê khai phụ lục khi quyết toán:

– Nếu làm từ 3 tháng trở lên thì kê vào 05-1BK (giả sử ký hợp đồng dưới 3 tháng nhưng ký nhiều lần dẫn tới làm trên 3 tháng ⇒ kê vào mẫu 01, tham khảo CV 9611/CT-TTHT của TP HCM)

– Nếu cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký nhưng dưới 3 tháng thì kê vào mẫu 02 kể cả mức thu nhập thấp hơn 2 triệu

3.11. Nếu cá nhân có một khoản thu nhập vãng lai nơi khác mà chưa khấu trừ 10% (dù thu nhập dưới 2 triệu) thì cũng không thuộc diện được ủy quyền quyết toán

3.12. Quyết toán thuế theo số tiền thực nhận chứ không phải theo số hạch toán chi phí (ví dụ lương tháng 12/2020 mà chỉ trong tháng 1/2021 thì phần đó quyết toán cho năm 2021)

3.13. Về vấn đề làm cam kết thu nhập thì nên lưu ý điều kiện làm cam kết là duy nhất thụ nhập thuộc diện bị khấu trừ 10% đã nêu chứ không phải thu nhận duy nhất 1 nơi

3.14. Tiền ăn ca vượt 730.000 đồng/tháng thì khoản tiền vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế (phần tiền vượt sẽ chịu thuế thu nhập cá nhân).

3.15. Không phát sinh khấu trừ thuế TNCN vẫn phải làm tờ khai tạm tính.

3.16. Thuế TNCN kê khai tạm tính theo tháng hay theo quý mình cứ theo thuế GTGT. Nếu thuế GTGT kê khai theo tháng thì thuế TNCN kê khai theo tháng, nếu thuế GTGT kê khai theo quý thì thuế TNCN kê khai theo tháng hoặc quý

3.17. Nếu cho lương thực nhận (Net) thì cần phải xác định thu nhập làm căn cứ quy đổi và tính ngược lên để xác định thu nhập tính thuế. Từ đó xác định số thuế TNCN

3.18. Không phải trường hợp nào không thuộc diện ủy quyền quyết toán cũng phải tự đi quyết toán.

3.19. Nếu cá nhân cư trú thì xác định thuế TNCN từ tiền công phạm vĩ toàn cầu, cá nhân không cư trú chỉ xác định đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

3.20. Nếu cá nhân không cư trú thì cứ khấu trừ 20% trên tổng thu nhập mà công ty chỉ cho họ.

Các bạn cân nhắc vấn đề này nếu trong công ty có người lao động nước ngoài thì xem họ đáp ứng điều kiện là cá nhân cư trú hay không nhé.

Trên đây là Kế toán Hà Nội đã tổng hợp những lưu ý về thuế TNCN mà kế toán cần nắm được từ năm 2022. Mong rằng những thông tin trong bài viết hữu ích với bạn đọc. Chúc các bạn có một kỳ quyết toán thuế thành công!