Kế toán Hà Nội hướng dẫn cách tính giá hàng nhập kho hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu, công cụ dụng cụ… Mời các bạn theo dõi:

Kế toán nhập, xuất, tồn kho nguyên liệu, vật liệu và công cụ, dụng cụ phải được thực hiện theo nguyên tắc giá gốc (giá thực tế) quy định trong chuẩn mực kế toán Việt Nam số 02 “Hàng tồn kho”.

Tính giá nhập kho nguyên liệu, vât liệu, công cụ dụng cụ:

Công thức tính giá hàng nhập kho cụ thể như sau:

Giá nhập kho  =  Giá trị hàng hóa  +  Chi phí liên quan

Chú ý: Giá nhập kho được tính theo giá thực tế hay còn gọi là giá gốc.

+ Những DN kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ: Thì giá gốc không bao gồm thuế GTGT.
+ Những DN kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp (Hóa đơn bán hàng thông thường): Thì giá gốc bao gồm cả thuế GTGT.

Giá gốc ghi sổ của nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ nhập kho trong các trường hợp cụ thể được tính như sau:

Giá gốc của nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ mua ngoài, bao gồm: Giá mua ghi trên hóa đơn, các khoản thuế không được hoàn lại (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT hàng nhập khẩu không được khấu trừ, thuế bảo vệ môi trường phải nộp (nếu có)), chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo quản, phân loại, bảo hiểm,… nguyên liệu, vật liệu từ nơi mua về đến kho của doanh nghiệp, công tác phí của cán bộ thu mua, chi phí của bộ phận thu mua độc lập, các chi phí khác có liên quan trực tiếp đến việc thu mua nguyên vật liệu và số hao hụt tự nhiên trong định mức (nếu có):

+ Trường hợp thuế GTGT hàng nhập khẩu được khấu trừ thì giá trị của nguyên liệu, vật liệu mua vào được phản ánh theo giá mua chưa có thuế GTGT.

+ Nếu thuế GTGT hàng nhập khẩu không được khấu trừ thì giá trị của nguyên liệu, vật liệu mua vào bao gồm cả thuế GTGT.

+ Đối với nguyên liệu, vật liệu mua bằng ngoại tệ được thực hiện theo quy định tại hướng dẫn phương pháp kế toán chênh lệch tỷ giá hối đoái (TK 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái).

Giá gốc của nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ tự chế biến, bao gồm: Giá thực tế của nguyên liệu xuất chế biến và chi phí chế biến.

Giá gốc của nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ thuê ngoài gia công chế biến, bao gồm: Giá thực tế của nguyên liệu, vật liệu xuất thuê ngoài gia công chế biến, chi phí vận chuyển vật liệu đến nơi chế biến và từ nơi chế biến về doanh nghiệp, tiền thuê ngoài gia công chế biến.

Giá gốc của nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ nhận góp vốn liên doanh, cổ phần: Là giá trị được các bên tham gia góp vốn liên doanh thống nhất đánh giá chấp thuận.

Giá gốc của nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ được tặng, thưởng: Là giá trị thị trường tương đương cộng (+) với chi phí liên quan đến việc tiếp nhận (nếu có).

– Giá gốc của phế liệu thu hồi: Giá trị ghi sổ của phế liệu là giá ước tính có thể sử dụng được hay giá trị thu hồi tối thiểu.

1. Cách tính giá nhập kho hàng hóa, Công cụ dụng cụ, Nguyên vật liệu mua trong nước:

Giá nhập kho  =  Giá trị trên hoá đơn  +  Chi phí liên quan  –  Các khoản giảm giá (nếu có).

2. Cách tính giá nhập kho hàng nhập khẩu:

Giá nhập kho  =  Giá hàng mua  +  Thuế nhập khẩu + Thuế TTĐB (nếu có)  +  Chi phí mua liên quan  – Các khoản giảm giá (nếu có)

Chú ý: Giá hàng mua được xác định theo từng trường hợp cụ thể như sau:

+) Nếu thanh toán 1 lần trước khi nhận hàng:
– Giá hàng mua = Tính theo tỷ giá ngày thanh toán (Theo tỷ giá Ngân hàng mà DN mở TK giao dịch)

+ Nếu thanh toán 1 lần sau khi nhận hàng:
– Trường hợp này thì sẽ có 2 tỷ giá là: Tỷ giá ngày hàng về và tỷ giá ngày thanh toán, cụ thể như sau:

-> Giá mua ngày hàng về = Tính theo tỷ giá ngày hôm đó (Theo tỷ giá Ngân hàng mà DN mở TK giao dịch)
-> Ngày thanh toán = Tính theo tỷ giá ngày thanh toán (Theo tỷ giá Ngân hàng mà DN mở TK giao dịch).
– Khoản chênh lệch tỷ giá: Nếu lãi thì cho vào 515. Nếu lỗ thì cho vào 635.

+ Nếu thanh toán nhiều lần trước và sau khi nhận hàng:
– Trường hợp này sẽ có nhiều tỷ giá từng ngày giao dịch và nhận hàng, cụ thể như sau:

-> Ngày thanh toán trước: Lây theo tỷ giá ngày thanh toán
-> Ngày hàng về: Lấy theo tỷ giá ngày hàng về
-> Ngày thanh toán nốt: Lấy theo tỷ giá ngày thanh toán nốt.
(Tất cả đều theo Tỷ giá của Ngân hàng mà DN mở TK giao dịch. Không lấy tỷ giá trên tờ khai hải quan)

– Khoản chênh lệch tỷ giá: Nếu lãi thì cho vào 515. Nếu lỗ thì cho vào 635.

+ Chi phí liên quan như: (vận tải, bốc dỡ, lưu kho, chi phí mở thủ tục hải quan…)

3. Cách tính giá nhập kho thành phẩm:

– Đối với hàng hóa do DN tự sản xuất:

Giá nhập = Là giá thực tế sản xuất (giá thành công xưởng)

– Đối với hàng hóa do thuê ngoài gia công chế biến:

Giá nhập = Giá hàng xuất đi gia công + Chi phí gia công, chế biến + Chi phí liên quan

Ví dụ:

Công ty TNHH Kế Toán Hà Nội hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên, kê khai thuế theo phương pháp khấu trừ.

– Ngày 1/3/2017 công ty có hóa đơn GTGT mua vật liệu A về nhập kho như sau:

Tại ngày 1/3/2017 công ty chưa thanh toán tiền cho công ty CP Cơ Điện Lạnh Việt Nam.

– Ngày 1/3/2017 công ty có hóa đơn GTGT về chi phí vận chuyển vật liệu A về nhập kho như sau:

Tại ngày 1/3/2017 công ty thanh toán bằng tiền mặt VNĐ cho công ty vận tải Tân Hoàng Hiệp.

Căn cứ vào hóa đơn mua hàng và hóa đơn vận chuyển trên, kế toán tính trị giá thực tế (giá gốc) vật liệu A như sau:

Giá gốc nhập kho vật liệu A = 15,000,000 đ + 1,000,000 đ = 16,000,000 đ

ghi sổ kế toán như sau:

1. Phản ánh giá mua vật liệu A: Căn cứ vào hóa đơn GTGT  và phiếu nhập kho, ghi:

Nợ TK 152 (chi tiết: vật liệu A): 15,000,000 đ

Nợ TK 133 (1331): 1,500,000 đ

Có TK 331 (chi tiết: công ty CP Cơ Điện Lạnh Việt Nam): 16,500,000 đ.

2. Phản ánh chi phí vận chuyển vật liệu A: Căn cứ vào hóa đơn GTGT  và phiếu chi tiền, ghi:

Nợ TK 152 (chi tiết: vật liệu A): 1,000,000 đ

Nợ TK 133 (1331): 100,000 đ

Có TK 111 (1111): 1,100,000 đ.